Lễ Giáng Sinh còn được gọi là lễ Thiên Chúa giáng sinh, Christmas, Xmas hay Noel (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta"). Đây là một ngày lễ kỷ niệm ngày Chúa Giê-su sinh ra đời của phần lớn người theo đạo Thiên Chúa. Lễ Giáng sinh diễn ra từ tối 24 đến hết ngày 25/12, là thời điểm để mọi người có thể đi lễ, vui chơi, tặng quà và gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Tại Việt Nam, lễ Giáng sinh không chỉ dành cho những người theo đạo Thiên Chúa mà giờ đây đã trở thành dịp vui chơi của nhiều người, nhất là với giới trẻ.
Qua đó, lễ
Giáng sinh góp phần tạo nên một bức tranh đa sắc màu về tự do, tín ngưỡng tôn
giáo ở Việt Nam, thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân.
Việt Nam là một
quốc gia đa tôn giáo. Ở Việt Nam có những tôn giáo nội sinh (Phật giáo Hoà Hảo,
Cao đài…) song hành cùng các tôn giáo du nhập từ bên ngoài (Công giáo, Phật
giáo, Tin lành…). Ở nước ta, các tôn giáo luôn luôn giữ mối đoàn kết và tôn trọng
niềm tin tôn giáo lẫn nhau, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Mỗi tôn giáo có đức tin và hệ thống giáo lý, giáo luật, nghi thức
tôn giáo riêng, là đặc trưng để phân biệt tôn giáo này với tôn giáo khác. Theo
Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tôn giáo vẫn có điểm tương đồng. Người viết: “Khổng Tử,
Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh
phúc cho mọi người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay họ còn sống trên cõi đời
này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất
hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của
các vị ấy”. Bác phân tích: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái; Phật Thích Ca dạy:
Đạo đức là từ bi; Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”, từ đó để chỉ cho quần
chúng tín đồ thấy rõ, dù theo các tôn giáo khác nhau nhưng mọi người đều hướng
tới điều thiện, xây dựng một xã hội tốt đẹp. Theo Bác, những giá trị đạo đức của
tôn giáo như bác ái, từ bi, nhân nghĩa… rất phù hợp với đạo đức của truyền thống
dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.
Bên cạnh những
giá trị đạo đức, các tôn giáo còn có hệ thống những lễ hội rất phong phú. Trước
đây, việc tổ chức và tham gia lễ hội là công việc nội bộ giáo hội và tín đồ
trong đạo. Ngày nay, rất nhiều lễ hội tôn giáo không còn là chuyện riêng của từng
tôn giáo mà nó có sức lan toả, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội như Lễ
Giáng sinh, Phục sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành; Lễ Phật đản, Vu lan của
Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao đài Tây Ninh… Chẳng hạn
như Lễ Giáng sinh của đạo Công giáo, xưa kia Giáng sinh là dịp để các chức sắc,
nhà tu hành và những con chiên tưởng niệm, hân hoan chào đón thời khắc Chúa
Jesu ra đời. Trước ngày Giáng sinh, các tín đồ trang trí nhà cửa, hang đá thật
đẹp để chào đón Chúa ra đời. Trong đêm Giáng sinh, cộng đoàn tín đồ tập trung về
nhà thờ để đọc kinh, cầu nguyện, hát ca mừng Chúa Giáng sinh.
Ngày nay, ở Việt
Nam, lễ Giáng sinh đã vượt ra khỏi giáo đường của đạo Công giáo. Lễ Noel dần dần
trở thành một sinh hoạt cộng đồng. Trong đêm Giáng sinh, người theo đạo vẫn thực
hành những nghi thức, nghi lễ truyền thống của đạo Công giáo còn người ngoại đạo
tập trung đi xem lễ. Cũng trong đêm Noel, trẻ con háo hức chờ đợi để được Ông
già Noel tặng quà; nhiều gia đình rủ nhau mở tiệc liên hoan, bạn bè tổ chức gặp
mặt uống cà phê, ca hát, các bà, các chị cùng nhau đi mua sắm (hầu hết các siêu
thị, trung tâm thương mại thường mở các đợt khuyến mãi trong dịp Giáng sinh).
Cũng trong dịp lễ Giáng sinh, các cô gái, chàng trai không bỏ lỡ thời cơ thể hiện
tình cảm, hẹn hò, tìm những quà tặng độc đáo dành cho người mình yêu…
Có thể nói,
chưa bao giờ các tôn giáo có điều kiện hoạt động thuận lợi như hiện nay, quan hệ
quốc tế ngày càng mở rộng, chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng đông, cơ sở thờ
tự ngày càng khang trang, việc sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt
Nam được công khai theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các tổ chức
tôn giáo tăng cường giao lưu, học tập, trao đổi các đoàn với các tổ chức tôn
giáo trên thế giới. Từ năm 2011 đến nay đã có gần 2.000 lượt cá nhân tôn giáo
xuất cảnh tham gia khóa đào tạo ở nước ngoài, tham dự hội thảo, hội nghị quốc tế
liên quan đến tôn giáo, gần 500 đoàn nước ngoài với hơn 3.000 lượt người vào Việt
Nam để trao đổi, giao lưu, hướng dẫn tại cơ sở thờ tự ở Việt Nam. Điều đó không
chỉ thể hiện sự chăm lo toàn diện của Đảng, Nhà nước đối với đời sống tôn giáo
mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng của đông đảo chức sắc, tín đồ về đường lối lãnh
đạo đúng đắn của Đảng qua những giá trị tinh thần cao đẹp của dân tộc. Những nỗ
lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho
người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Một trong những
đặc trưng của nền văn hoá Việt Nam là tính dung hoà: người Việt luôn luôn muốn
sống hoà hợp với tự nhiên, dung hoà với xã hội và con người. Mặc dù là một đất
nước đa tôn giáo nhưng với tính cách dung hoà vốn có từ ngàn xưa, người Việt
không có tư tưởng kỳ thị hoặc chia rẽ tôn giáo. Do vị trí địa lý đặc biệt nên từ
xa xưa, Việt Nam trở thành nơi giao thoa của các nền văn hoá trong khu vực và
trên thế giới. Mỗi khi có luồng tư tưởng mới, có một tôn giáo mới du nhập, truyền
bá vào nước ta, ông cha ta thường giữ tâm thế “lấy tĩnh chế động” để quan sát
và “gạn đục khơi trong”, tiếp nhận những tinh hoa của nó, đồng thời Việt hoá để
nó phù hợp với tâm lý xã hội, thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Có lẽ với đặc tính
đó mà ngày nay, chúng ta rất dễ dàng nhận thấy ở hầu hết các lễ hội tôn giáo,
ngoài sự hiện diện của tín đồ còn có rất nhiều người dân, thậm chí là tín đồ của
các tôn giáo khác cũng đến xem lễ, tham quan, du lịch, tìm hiểu văn hoá, tín
ngưỡng… Bức tranh tôn giáo đa dạng đã góp phần làm giàu cho đời sống tinh thần
của người Việt. Những giá trị đạo đức, nhân văn của các tôn giáo, những công
trình kiến trúc, những tác phẩm văn học, nghệ thuật về đời sống tôn giáo… cùng
với hệ thống lễ hội tôn giáo đã tạo nên bức tranh muôn màu của văn hoá Việt
Nam.
Hoài Thu