Châu Nhân: Tuyên truyền về cuộc đời, thân thế và con đường cách mạng của Liệt sỹ Phạm Hồng Thái nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày mất của Liệt sỹ 18/5 năm Giáp Tý – 18/5 năm Giáp Thìn.
Phạm Hồng Thái (tên thật là Phạm Thành Tích) sinh ngày 14 tháng 5 năm 1895 tại làng Xuân Nha, xã Hưng Nhân (nay là xóm 9, xã Châu Nhân) huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, sinh trưởng trong gia đình không khá giả mấy về kinh tế nhưng lại có truyền thống hiếu học. Tuổi thơ của Phạm Thành Tích được cha là cụ Phạm Thành Mỹ kèm cặp, rèn dạy. Cụ đã lấy nhà thờ họ Phạm làm nơi dạy học, cho con học chữ, học làm người. Cụ Phạm Thành Mỹ thường căn dặn:“Lớn lên các con phải báo đền nợ nước, phải coi nợ nước nặng như núi Thái Sơn, coi thân mình nhẹ tựa hồng mao”.
Giống như bố của mình, Phạm Hồng Thái rất thức thời và luôn muốn cọ xát
với thực tế, muốn hoà nhập với thực tế để trưởng thành. Trong vòng 6 năm từ
1919 đến 1924, Phạm Hồng Thái đã lăn lộn trong trường đời, làm công nhân ở 5 hãng sản
xuất: nhà máy Điện, nhà máy Diêm, công nhân Hoả xa, mỏ kẽm Bắc Cạn, nhà máy xi
măng Hải Phòng. Với sự từng trải như thế, ý
thức giai cấp của Phạm Hồng Thái lại được nâng cao, càng hiểu rõ sự bần cùng của người dân
nô lệ và bản chất tàn bạo của thực dân Pháp.
Vào một
ngày đầu năm Giáp Tý (1924), Phạm Hồng Thái cùng một số thanh niên yêu nước
Nghệ An bí mật xuất dương với ý nguyện lớn lao là tìm đường giải phóng đất
nước, cứu khổ cho đồng bào. Đó cũng là ước vọng của cả thế hệ đau đáu một lòng
vì nước. Họ ra nước ngoài để lại đằng sau là đất nước lầm than, nô lệ, tiến về
phía trước với mục tiêu giải phóng dân tộc. Hoàn cảnh lịch sử ấy đã tạo ra cơ hội để Phạm Hồng Thái gặp gỡ
và kết giao được với Lê Hồng Phong, Trần Bá Giao, Lê Hồng Sơn, Lê Thiết Hùng,
Vương Thúc Oánh, Trương Vân Lĩnh.
Qua Lào,
sang Thái Lan và cuối cùng Phạm Hồng Thái đã đến Trung Quốc. Lúc đầu
anh tìm đến tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, một tổ
chức yêu nước của Phan Bội Châu. Sau đó bằng sự nhạy cảm về chính trị, Phạm
Hồng Thái nhận ra Quang Phục Hội chưa đủ để có thể giúp mình thực hiện được
hoài bão, anh đã bí mật tách rời và gia nhập tổ
chức Tâm Tâm Xã.
Tâm Tâm Xã chủ trương gây một tiếng nổ lớn để thức tỉnh quốc dân đồng bào
trong nước và làm chấn động dư luận năm châu, khiến mọi người chú ý đến Việt
Nam, đó là việc ám sát Toàn quyền Đông Dương Méc - Lanh của Phạm Hồng Thái.
( Khách sạn Victoria, Sa Diện, Quảng Châu, Trung Quốc, nơi liệt sĩ Phạm Hồng Thái ném bom mưu sát Toàn quyền Méc - lanh )
Ngày
19/6/1924, biết chắc Méc Lanh sẽ dự tiệc khoản đãi
của nhà đương cục Pháp tại khách sạn Victoria, Phạm Hồng Thái bèn cải trang
thành một “ký giả” tới dự tiệc và lọt qua được vọng gác của đám quân cảnh. Bữa
tiệc bắt đầu lúc 7 giờ 30 phút tối. Chủ khách vừa mang cốc chúc tụng nhau thì
một quả lựu đạn từ cửa sổ ném đúng bàn tiệc, lập tức một tiếng nổ xé trời làm
vỡ tan bát đĩa, cốc chén, ngót chục vị “quan khách” bị thương. Méc - Lanh thoát chết nhưng bị thương nhẹ. Tiếng hô hoán cấp cứu hoảng
loạn cả khu nhà. Vòng vây cảnh sát và mật thám bủa đặc tô giới để lùng bắt thủ
phạm. Phạm Hồng Thái vừa chạy được một
quãng về phía cửa Đông tô giới Pháp thì bị nghẽn lối,
thế cùng phải nhảy xuống sông Châu Giang và bị nước cuốn trôi. Phạm Hồng Thái đã anh
dũng hy sinh.
Đối với
phong trào cách mạng Việt Nam, xét trong bối
cảnh lịch sử lúc bấy giờ, chúng ta mới thấy hết được ý nghĩa lớn lao của sự
kiện này, bởi trước đó, dưới ảnh hưởng cách mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên năm
1912, cụ Phan Bội Châu lập Việt Nam Quang Phục Hội với tôn chỉ “Đánh đuổi giặc
Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hoà dân chủ”; Năm 1913, một
loạt tiếng nổ liên tiếp xảy ra, làm cho dư luận xôn xao; Thực dân Pháp dùng
nhiều biện pháp để bóp chết cách mạng của cụ Phan. Ngày 18/01/1914, Phan Bội
Châu, Mai Lão Bạng bị bắt giam trên đất Trung Quốc nên Hội mỗi người ly tán một
nơi, mai phục chờ thời. Sau đó, tinh thần Quang Phục Hội lại được thổi bùng lên
trong cuộc khởi nghĩa của Vua Duy Tân và Trần Cao Vân ở Huế vào tháng 05/1916
và cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên. Tiếng súng chống Pháp ở Thái Nguyên là tiếng
vang cuối cùng của Quang Phục Hội. Từ đó, phong trào lại bị chìm đi trong giấc
ngủ cho đến ngày 19/6/1924, tiếng bom của liệt sỹ Phạm Hồng Thái đã đánh thức
dân tộc ta, đất nước ta được bừng tỉnh.

Không chỉ
vậy, tiếng bom chống đế quốc thực dân của người anh hùng Việt Nam Phạm Hồng
Thái còn kích thích tinh thần chống đế quốc của Nhân
dân Trung Quốc, một tinh thần hợp với ý tưởng của Tôn Dật Tiên và Chính phủ cách mạng Quảng Châu. Vì thế, thi hài Phạm Hồng Thái được mai táng bên cạnh 72 liệt sỹ
cách mạng Trung Quốc tại nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, Quảng Châu với lời đề
trang trọng trên mộ chí, phiên âm như sau:
“Việt
Nam liệt sỹ Phạm Hồng Thái tiên sinh chi mộ”
Tháng
11/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Mátxcơva về Quảng Châu. Mặc dầu, không tán thành chủ trương ám sát cá nhân của Tâm Tâm Xã
nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn đánh giá rất cao hành động dũng cảm của Phạm Hồng Thái: “Tiếng bom của Phạm Hồng Thái đã nhóm lại ngọn
lửa chiến đấu”, “ Nó báo hiệu bắt đầu thời đại đấu tranh dân
tộc, như chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân”.
Sau một năm
ngày tiếng bom nổ, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh
Niên cách mạng Đồng chí Hội (6/1925) - tổ chức tiền thân của Đảng ta bây giờ.
Cùng với việc xuất bản báo Thanh Niên, Nguyễn Ái Quốc, bí mật chuyển tài liệu
cách mạng về nước tuyên truyền. Nguyễn Ái Quốc thường tổ chức Hội thề cho những
hội viên mới tại trước mộ người anh hùng xả thân vì nước Phạm Hồng Thái. Lời
thề như chất keo huyền diệu gắn trách nhiệm của người đang sống với người đã
ngã xuống cho đất nước trường tồn của chúng ta.
Tiếng bom
Sa Diện của Phạm Hồng Thái đã tạo
nên niềm kính phục và thức tỉnh lòng yêu nước của hàng vạn đồng bào trong nước.
Kể từ năm 1924 tới năm 1929 phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đòi lật đổ
chế độ thống trị của thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã phát triển sục sôi khắp
cả ba kỳ: Bắc - Trung - Nam. Và 6 năm sau sự kiện tiếng bom Sa Diện, Đảng Cộng
Sản Đông Dương đã ra đời, trong đó nhiều đồng chí của Phạm Hồng Thái trước đó
tham gia tổ chức Tâm Tâm Xã và Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí hội đã trở
thành cốt cán của Đảng. Và cũng chỉ sau 6 năm ngày tiếng bom Sa Diện, tại Hưng Nguyên - quê hương của Phạm Hồng Thái đã bùng
lên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930,
đây là tiền đề quan trọng tiến tới thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tiếng bom của Phạm Hồng Thái thực sự có
vị trí to lớn trong lịch sử cận đại Việt Nam. Nhà thơ Tố Hữu đã dành trọn 1 bài
thơ tứ tuyệt cô đọng với tấm lòng trân trọng và tình cảm xúc động để ca ngợi
cuộc đời vô cùng đẹp đẽ của Phạm Hồng Thái, người anh hùng đã hy sinh vì sự
nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam:
“ Sống chết được như Anh
Thù giặc thương nước mình
Sống, làm quả bom nổ
Chết, như dòng nước xanh”
Tên
tuổi và hành động dũng cảm của liệt sỹ Phạm Hồng Thái sống mãi với non sông
Việt Nam. Tinh thần xả thân của Phạm Hồng Thái, truyền thống quý báu của xã Châu
Nhân nói riêng, huyện Hưng Nguyên nói chung là động lực tinh thần để quần chúng
cách mạng hưởng ứng mạnh mẽ cuộc đấu tranh chống đế quốc thực dân dưới sự lãnh
đạo của Đảng giành độc lập cho dân tộc.
Kỷ niệm 100
năm ngày mất của Liệt sỹ Phạm Hồng Thái, là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại
chặng đường đã qua, tự hào về truyền thống của các thế hệ cha ông đã dành biết
bao công sức, trí tuệ, tâm huyết để đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng đất nước. Kế thừa, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, của
cha ông, của Liệt sỹ Phạm Hồng Thái, chúng ta tin tưởng rằng, chính quyền và
Nhân dân huyện Hưng Nguyên nói chung, xã Châu Nhân nói riêng tiếp tục đoàn kết,
sáng tạo, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, viết tiếp những trang sử
mới, tô thắm thêm truyền thống lịch sử vẻ vang của đất nước. Quyết tâm xây dựng
quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp và văn minh.