image banner
Châu Nhân: Tuyên truyền kỷ niệm 121 năm ngày sinh cố tổng bí thư Lê Hồng Phong
Lượt xem: 134

Nhân dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh cố tổng Bí thư Lê Hồng Phong (06/9/1902-06/9/2023), sau đây xin kính mời toàn thể nhân dân, các đ/c tìm hiểu tiểu sử tóm tắt về thân thế sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của đ/c Lê Hồng Phong:

Đồng chí Lê Hồng Phong:

Tên thật là: Lê Huy Doãn. Sinh năm:1902

Quê quán: tại xã Hưng Thông -huyện Hưng Nguyên - tỉnhNghệ An.

Hy sinh: năm 1942. tại nhà tù Côn Đảo;

 

Những mốc son trong cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong:

Tháng 1/1924Lê Hồng Phong cùng đồng chí Phạm Hồng Thái sang Thái Lan, sau đó đi Trung Quốc tìm đường cứu nước, tham gia Tân Việt Thanh niên Đoàn (Tâm Tâm xã).

 

Năm 1924 Lê Hồng Phong học trường quân sự Hoàng Phố, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc dìu dắt.

Tháng 2/1926 Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 1926 Tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố.

Từ 10/1926 đến 10/1927 Học trường Lý luận Quân sự tại Lênigrat (Liên Xô).

Từ 12/1927 đến 11/1928 Học trường Không quân số 2 ở Bôrixôglebxk (Liên Xô).

Từ tháng 12/1928 Học trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva với bí danh là Lit-vi-nốp. Sau khi tốt nghiệp, đồng chí tham gia Hồng quân Liên Xô và là chiến sĩ không quân đầu tiên của Việt Nam.

Cuối năm 1931 Với tên là Vương Nhật Dân, đồng chí về Trung Quốc hoạt động.

Năm 1932 Đồng chí tìm cách liêm lạc với tổ chức Đảng ở trong nước nhằm khôi phục phong trào.

Năm 1934 Thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài ở Đảng tại Ma Cao do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư.

Ngày 14/6/1934 Triệu tập Hội nghị Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng và đại biểu các Đảng bộ trong nước bàn kế hoạch triệu tập Đại hội lần thứ nhất của đảng.

Tháng 3/1935 Tại Đại hội I của Đảng ở Ma Cao đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Năm 1934 Đồng chí dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ra dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản ở Matxcơva (Liên Xô). Đại hội công nhận Đảng là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong là Ủy viên Ban Chấp hành của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 1/1936 Đồng chí tới Trung Quốc.

Ngày 10/11/1937 Với tên là La Anh, đồng chí Lê Hồng Phong về nước hoạt động.

Tháng 3/1938 Dự Hội nghị Trung ương họp tại Hóc Môn (Gia Định) quyết định thành lập "Mặt trận Dân chủ Đông Dương".

Ngày 22/6/1939 Đồng chí Lê Hồng Phong bị địch bắt lần thứ nhất ở Sài Gòn và bị kết án 6 tháng tù.

Ngày 25/1/1940 Bị bắt lần thứ 2, bị kết án 5 năm tù và đày đi Côn Đảo.

Ngày 6/9/1942 Đồng chí Lê Hồng Phong đã hy sinh trong nhà tù Côn Đảo.

 

Thân thế và Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí:

Cha của anh là ông Lê Huy Quán, mẹ là bà Phan Thị San. Lê Huy Doãn sinh ra và lớn lên trên một vùng đất mang đậm dấu ấn lịch sử của một truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất trong cuộc đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm hàng nghìn năm lịch sử. Những truyền thống lịch sử đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới tính cách con người, tình cảm ước mơ và bước đường phát triển đi lên của Lê Huy Doãn. Lớn lên, anh đi làm thư ký cho một hiệu buôn, sau đó, anh vào làm thợ nhà máy diêm Vinh. Chính tại đây, anh được giác ngộ cách mạng, anh đã vận động mọi người chống lại bọn chủ và cai ký bằng hình thức tập hợp mọi người đưa ra yêu sách đòi những quyền lợi tối thiểu hàng ngày cho cuộc sống..

Năm 22 tuổi, anh được tổ chức gởi sang Xiêm rồi đi Trung Quốc cùng Phạm Hồng Thái để liên lạc với cách mạng. Anh được kết nạp và trở thành thành viên của tổ chức Tâm Tâm Xã, rồi từ đó anh gia nhập Cộng Sản Đoàn, chính là nòng cốt của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Anh được gởi tới trường quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc), rồi trường Không Quân Liên Xô để được đào tạo thành cán bộ quân sự cho cách mạng. Anh học tiếp ở trường đại học Stalin, chuyên nghiên cứu lý luận cách mạng.

Năm 1932, nhận chỉ thị của Quốc tế cộng sản, Lê Hồng Phong liên lạc với trong nước củng cố cơ sở Đảng, gây dựng phong trào cách mạng. Cuối năm 1934, anh được cử làm trưởng đoàn đại biểu Đảng ta, sang Liên Xô dự đại hội lần thứ 7 của Quốc Tế Cộng Sản, tại đại hội anh được bầu làm ủy viên dự khuyết của Quốc Tế Cộng Sản. Năm 1936, Lê Hồng Phong tới Trung Quốc, với danh nghĩa của Quốc Tế Cộng Sản bên cạnh Đảng ta, triệu tập hội nghị Trung ương, mở đầu thời kỳ mới cách mạng Việt Nam, thời kỳ mặt trận dân chủ.

Cuối năm 1937, Lê Hồng Phong về nước, hoạt động ở Sài Gòn – Chợ Lớn với thẻ căn cước mang tên La Anh, một thương nhân Trung Quốc. Đồng chí bị thực dân Pháp bắt ngày 22/6/1939, địch tra tấn rất dã man, nhưng không khai thác được gì, chúng lập mưu giết Lê Hồng Phong bằng cách: khi biết Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai là vợ chồng, chúng đưa đồng chí Minh Khai đến để hai người gặp mặt, qua đó có cớ để kết án tử hình Lê Hồng Phong. Biết rõ âm mưu của kẻ thù nên 2 đồng chí đã kịp thời đối phó. Không có chứng cứ buộc tội anh, chúng kết án Lê Hồng Phong 5 năm tù giam với lời buộc tội vu vơ là chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và đày ra Côn Đảo.

Nhà tù Côn Đảo khi đó có 3 trại giam chính là Banh I, Banh II, Banh III và nhiều trại giam phụ. Số lượng tù nhân lên đến hơn 2000 người, đa số là tù chính trị. Lớp tù nhân ra sau khởi nghĩa Nam Kỳ đa số bị giam cầm trong Banh II và Banh III. Ở Côn Đảo, Lê Hồng Phong bị cầm cố ở xà lim Sở Muối. Mục đích là cô lập Lê Hồng Phong với tổ chức tù chính trị Côn Đảo. Tuy nhiên, qua hệ thống cơ sở tù chính trị làm khổ sai và bồi bếp, tổ chức Đảng ở Côn Đảo đã liên lạc được với đồng chí Lê Hồng Phong. Thông qua các đầu mối liên lạc, Lê Hồng Phong đã truyền đạt lại tinh thần văn kiện Đại hội VII của Quốc Tế Cộng Sản (7-1935) cho các đồng chí có trách nhiệm, trên cơ sở của văn kiện đó, Đảo ủy Côn Đảo đã phân tích rõ thế yếu của chủ nghĩa phát xít và giáo dục rộng rãi cho cán bộ, đảng viên lòng tin yêu tất thắng vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Liên Xô, vào các lực lượng tiến bộ chống chủ nghĩa phát xít.

Chế độ cầm cố khắc nghiệt, bên cạnh những cuộc đánh đập bằng dùi cui, roi gân bò… mà nhà tù nào ở Việt Nam cũng có, nhưng ở đây với mức độ cao hơn. Bọn giặc bắt tù nhân lao động rất nặng nhọc, phải xay lúa,vác gỗ, vác đá, mò san hô dưới những trận mưa roi. Nhiều đồng chí kiệt sức ngã dúi, chúng giẫm chết luôn. Bữa ăn hằng ngày là gạo mốc và cá khô mục, đây là một loại cơm xám như đất và bị trộn nhiều cát, khó ăn phải đổ nước vào ngoáy cho cát đọng lại rồi hớt lấy cơm ăn. Cá khô mục thì nát như cám, đen như bùn và đắng.

Do bị cầm cố khắc nghiệt và chế độ ăn uống tồi tệ, Lê Hồng Phong bị kiết lỵ khá nặng, được chuyển về Banh II, bị cầm cố tại dãy xà lim Banh II. Ở Côn Đảo, căn bệnh đáng sợ và phổ biến nhất là kiết lỵ và ghẻ hờm (ghẻ hầm), nhưng bất cứ bệnh gì, thầy thuốc nhà tù cũng chỉ cho 2 thứ thuốc là nước vôi và bột than. Chỉ trường hợp cấp cứu mới được đưa vào nhà thương và được tiêm một hai ống thuốc hồi sức. Thật ra, những tù nhân bị bệnh chẳng được chạy chữa gì cả. Họ bị tập trung về một nơi và lần lượt chết ở đây. Tất cả tù nhân bị bệnh vẫn bị xiềng xích, cầm cố, các yêu sách đưa ra đều được trả lời bằng roi vọt và dùi cui.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940), thực dân Pháp vừa điên cuồng khủng bố trả thù vừa nơm nớp lo sợ, sợ ngay cả những người tù đang bị xiềng xích, cầm cố. Chúng canh gác và khám xét rất kỹ, thấy một mẩu giấy vụn là quy vào tội “liên lạc”, “hoạt động chính trị ”, thấy tù nhân tụ tập sinh hoạt là vu cáo “âm mưu bạo động” và đàn áp, đánh đập rất dã man. Có lần chúng đánh vào đầu đồng chí Lê Hồng Phong ngay bữa ăn, máu chan đỏ bát cơm. Đồng chí vẫn ngồi ăn. Việc này, làm cho bọn cai tù chùn tay trước tội ác do chúng gây ra và cũng là để có sức đấu tranh.

Trong thời gian bị giam cầm trên Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong đã giới thiệu những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, để củng cố niềm tin tất thắng cho mọi người. Tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, đồng chí đã làm bài thơ vẽ nên viễn cảnh đất nước được giải phóng, “Địa ngục trần gian” Côn Đảo bị xoá bỏ. Lê Hồng Phong còn dạy cho anh em bài "Cô gái Nga" mà đồng chí đã sáng tác trong thời gian học ở Liên Xô. Cùng giam chung dãy xà lim với ông còn có một số nhà yêu nước như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Thảo… Và cũng chính tại đây đã diễn ra những buổi tranh luận sôi nổi về triết lý đạo giáo.

Đồng chí Lê Hồng Phong nêu cao quan điểm duy vật biện chứng về vũ trụ và về xã hội loài người, trình bày quan niệm về tôn giáo, về giai cấp, về vai trò quyết định của con người trong lịch sử và trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Và cuối cùng, đồng chí hướng về thực tại, về nhiệm vụ giải phóng dân tộc của mỗi người dân Việt Nam, về yêu cầu đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc trong nhà tù Côn Đảo. Chi bộ Đảo ủy vẫn tích cực chỉ đạo chống khủng bố, bảo vệ sức khỏe cho tù nhân. Chi bộ chỉ thị cho tất cả trại giam, các cơ sở tù: “bằng mọi giá phải bảo vệ mạng sống của tù nhân, bảo vệ cán bộ của Đảng”.

Thông qua mạng lưới cơ sở là những Đảng viên làm việc ở nhà bếp, các sở tù ngoài, chi bộ đã liên lạc với các đoàn tù mới ra, nắm bắt tin tức tình hình và thông báo tình hình trên đảo, phổ biến kinh nghiệm đấu tranh chống khủng bố trong tù. Những đồng chí nào được đưa ra ngoài làm khổ sai đã tranh thủ gài bẫy bắt chim, bắt rắn mối về góp cho ban cứu tế để nấu cháo cho những người yếu, người bệnh. Những nỗ lực của ban cứu tế Hội tù nhân Đảo ủy Côn Đảo đã cứu sống hàng trăm tù chính trị, làm vơi đi một phần đau thương trong thời kỳ khủng bố trắng.

Nhằm ngăn cản sự chỉ đạo và ảnh hưởng của đồng chí Lê Hồng Phong, tên chúa đảo Bơ-ru-on-nê ra lệnh nhốt riêng đồng chí vào hầm tối và đánh đập tàn nhẫn. Hầm tối là một hầm dài 2m, rộng 1,5m. Cửa hầm chỉ có một lỗ nhỏ, xung quanh hầm có hàng rào sắt. Sàn hầm lát bằng ximăng, mùa rét lạnh cóng, mùa hè thì nóng bỏng. Cuối chỗ nằm có đóng 2 vòng sắt. Người tù bị cùm chân vào đấy suốt ngày. Sức khoẻ kém lại bị đánh đập dã man và ở hầm tối trong một thời gian nên “người đồng chí gầy đét, chỉ còn da bọc xương, nước da đồng chí tái nhợt". Tất cả cái tiều tụy ấy lại được phơi ra dưới manh áo chàm rách mướp, thấm đẫm mồ hôi và bê bết máu… "Gươm đao của kẻ thù có thể chém đứt thép, gang, nhưng nó sẽ oằn đi khi chặt phải dũng khí của người chiến sĩ cộng sản”.

Trưa ngày 6/9/1942, trong những giây phút cuối cùng oanh liệt hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng thiêng liêng của đất nước, đồng chí Lê Hồng Phong đã nhờ các đồng chí thân thương đang bị giam tại nhà tù Côn Đảo chuyển tới Đảng lời nhắn gởi sắt son: “Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, đến giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Phần mộ của đồng chí Lê Hồng Phong nằm trên một ngọn đồi cát dưới chân núi chúa, thuộc Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo, cách ngôi mộ của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh không xa. Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương sáng ngời về khí phách đấu tranh, tấm lòng quả cảm, một tấm lòng hy sinh rộng lớn, quên đi cái riêng để vun đắp cho cái chung, vun đắp cho sự nghiệp cách mạng, làm vẻ vang cho một thế hệ người Việt Nam Yêu nước.

Tự hào về sự nghiệp cách mạng vẻ vang và sự hy sinh anh dũng của đồng chí, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Nhân quyết tâm phấn đấu xây dựng xã nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

Ban biên tập
TIÊN LIÊN QUAN
 
12345678910...
BẢN ĐỒ XÃ CHÂU NHÂN - HUYỆN HƯNG NGUYÊN
image
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ CHÂU NHÂN
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Lê Khánh Quang - Chủ tịch xã

Trụ sở: Xã Châu Nhân - Huyện Hưng Nguyên - Tỉnh Nghệ An
Điện thoại: 0976848136 - Email: chinhvh1982@gmal.com